Bạn không thể tìm được cảnh tương tự như Namtso ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Vì vậy, đặt chân tới Namtso không chỉ là giấc mơ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người.
Khi nhắc tới Tây Tạng, mọi người sẽ hình dung ra Thánh địa của phật giáo, là nóc nhà của thế giới, là đỉnh Everest huyền thoại... Tuy nhiên vùng cao nguyên cao nhất thế giới này không chỉ nổi tiếng bởi những cung điện và tu viện lộng lẫy đầy ý nghĩa lịch sử mà còn nổi tiếng với những hồ thiêng nước trong xanh như những bức tranh sơn dầu. Đặc biệt nhất trong các thánh hồ ở Tây Tạng chính là Namtso, nơi linh thiêng gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây.
Namtso, thánh hồ của vùng Tây Tạng.
Namtso cách Lhasa (thủ phủ của vùng Tây Tạng) 112 km, rộng hơn 1.900 km2, ở độ cao 4.720 m. Đây là hồ nước mặn lớn thứ 2 ở Trung Quốc nhưng là hồ nước mặn cao nhất thế giới, cao hơn hồ nước ngọt cao nhất thế giới là hồ Titicaca ở Nam Mỹ hơn 900 m. Người Tây Tạng ở đó gọi tên hồ là Namuchua, người Mông ở vùng này gọi là Thângcơlihai với nghĩa “Hồ trời”, “Biển trời”.
Năm 2005, Namtso được Tạp chí Khoa học địa lý quốc gia Trung Quốc bình chọn là một trong năm hồ đẹp nhất Trung Quốc dựa trên tiêu chí về thiên nhiên, vẻ đẹp, sạch, sự đa dạng các loài và cả tính độc đáo về văn hóa. Bốn hồ còn lại bao gồm có hồ Thanh Hải ở phía Tây tỉnh Thanh Hải, hồ Kanas ở phía Tây khu vực Tân Cương, hồ Thượng Đế thuộc phía Bắc tỉnh Cát Lâm và hồ Tây ở phía đông tỉnh Triết Giang.
Trước khi tới được Namtso, bạn sẽ đi qua con đèo Lakenla huyền thoại nằm ở độ cao 5.190 m. Lakenla được gọi là đèo tử thần vì dưỡng khí ở đây chỉ còn ở mức 30% khi lên tới đỉnh, gió và sốc độ cao có thể khiến bạn ngất đi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên chỉ cần vượt qua con đèo này, bạn sẽ bắt đầu thấy Namtso xanh như ngọc thấp thoáng đằng xa. Đường vào hồ đẹp như mơ, nắng vàng rộm, mây trắng, trời như không thể xanh hơn. Namtso hiện ra nhưng một giấc mơ giữa đời thực
Con đèo Lakenla huyền thoại nằm ở độ cao 5.190 m.
Nguồn cung cấp nước cho hồ chính là các suối ngầm và nước băng tan của dãy Nyenchen Tanglha. Truyền thuyết kể dãy Nyenchen Tanglha tượng trưng cho người con trai, còn hồ thiêng Namtso tượng trưng cho người con gái trong câu chuyện tình đẹp như cổ tích. Trên Namtso có 5 đảo nhỏ, tượng trưng cho Ngũ phương phật và không có người sinh sống, trong đó lớn nhất là đảo Liangduo. Ngoài ra, còn có 5 dải đất kéo dài hướng vào hồ từ các phía khác nhau.
Thời điểm thích hợp để tới Namtso là từ tháng 5 tới tháng 10 hoặc vào Tết của người Tạng và vào dịp năm mới vì sẽ có hàng nghìn người hành hương tụ họp. Lúc này nước hồ chưa đóng băng, cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Bạn sẽ thấy hồ rực rỡ trong nắng, xa xa là những dải lung-ta sặc sỡ tung bay trong gió, những đàn bò, đàn cừu lững thững đi lại. Ở mép hồ còn có những đàn bò Yak lông trắng muốt đeo lục lạc ở cổ để du khách có thể chụp ảnh lưu niệm. Khắp thung lũng vang lên những tiếng leng keng của lục lạc, câu hát ngân nga của những người dắt ngựa, là tiếng cầu kinh om mani padme hum theo vòng quay của những bánh xe cầu nguyện. Bạn sẽ cảm nhận được sự bình yên, êm ả của cuộc sống nơi đây.
Người Tạng từ nơi xa hành hương về Namtso đều đi hết vòng kora (người hành hương nối đuôi nhau đi vòng quanh theo chiều kim đồng hồ gọi là vòng kora) lớn bao quanh những hòn núi đá này. Ở Namtso có rất nhiều ngựa và Yak cho thuê để cưỡi. Bạn nên thuê ngựa vào lúc cuối giờ chiều sẻ rẻ hơn lúc cao điểm là giữa trưa và đầu giờ chiều, lúc này giá sẽ khá mềm từ 20-40 tệ.
Những dải lung-ta sặc sỡ nơi vùng hồ Namts
Không chỉ thách thức con người với độ cao kỷ lục, vẻ đẹp tha thiết của hồ Namtso khiến bất kỳ ai đến Tây Tạng không thể bỏ qua và cũng không thể nào quên khi đã đặt chân đến nơi đây. Namtso vẫn đang tồn tại hàng ngày trên những đám mây, những ngọn núi tuyết cao vời vợi mà đứng ở đồng bằng bạn không bao giờ biết. Hơn nữa, cảnh vật, núi non, hồ nước mặn, núi tuyết chỉ có ở Tây Tạng, bạn không thể tìm được những cảnh tương tự ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Chính vì vậy, được đặt chân tới Namtso không chỉ là giấc mơ của riêng tôi mà còn của rất nhiều người.
(Theo ngoisao.net)