Tu viện Drepung (Triết Bạng) là một trong ba Tu viện lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng, hai tu viện kia là Ganden và Sera. Tại đấy còn có trường đại học Phật giáo, đào tạo chuyên sâu cho các Tăng sĩ theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng. Tu viện Drepung nằm trên núi Gambo Utse, cách vùng ngoại ô thủ phủ Lhasa khoảng 5 cây số về phía Tây.
Vào những năm 1936-1937, tại tu viện Drepung là tu viện lớn nhất trên thế giới có đến 7.700 Tăng sĩ tu học, và đôi khi con số này lên đến cả 10.000 Tăng sĩ.
Từ những năm 1950, tu viện Drepung, cùng với tu viện Ganden và tu viện Sera đã không còn được độc lập nữa, do vậy mà những tu viện ấy không còn được người dân Tây Tạng sùng kính và tín nhiệm như trước đó nữa.
Tu viện Drepung do ngài Jamyang Choge Palden Tashi (1397-1449) – một trong những vị đệ tử chính của ngài Tsongkhapa – thành lập vào năm 1416, và được đặt tên dựa theo một địa điểm thiêng liêng ở miền Nam Ấn Độ, vùng Shridhanyakataka. Tu viện Drepung là trụ sở chính của phái Gelugpa ở Tây Tạng, và nó vẫn giữ vị trí hàng đầu trong số 4 tu viện lớn của phái Gelugpa. Tu viện Drepung vốn là nơi cư ngụ của các vị Dalai Lama, cho đến khi Đức Dalai Lama thứ năm xây dựng cung điện Potala. Tu viện Drepung được biết đến với những tiêu chuẩn cao trong học thuật. Chính vì vậy mà Drepung được gọi là Đại học Nalanda của Tây Tạng.
Theo các tài liệu cũ cho biết, có hai trung tâm quyền lực trong tu viện Drepung: một trung tâm gọi là là “hạ viện” (Zimkhang ‘og ma), phòng này gắn liền với các vị sắp trở thành Dalai Lama; và “thượng viện” (Zimkhang gong ma), gắn kết với những hậu duệ của ngài Sonam Drakpa, một bậc thầy lừng lẫy đã viên tịch năm 1554. Ngôi điện của các vị Dalai Lama tại tu viện Drepung, điện Ganden Phodrang, do Đức Dalai Lama thứ hai, ngài Palzangpo Gendun Gyatso (1476-1541), xây dựng vào năm 1518.
Vào cuối thập niên 1930, Viện đại học Drepung được chia nhỏ thành 4 trường Phật học, mỗi trường đào tạo các vị Tăng sĩ ở những địa phương khác nhau, chẳng hạn như có trường thì đào tạo các vị Tăng sĩ người Khampa, có trường thì đào tạo Tăng sĩ người Mông Cổ… Mỗi trường do một vị điều hành, vị này được Đức Dalai Lama thừ 13 đề cử.
Hiện tại thì viện đại học Drepung được chia làm 7 trường Phật học lớn, đó là: Gomang, Loseling, Deyang, Shagkor, Gyelwa hay Tosamling, Dulwa, và Ngagpa. Chúng ta có thể xem đại học Drepung như là một trường đại học đồng háng với trường đại học Oxford hay là Sorbonne vào thời Trung đại. Mỗi trường Phật học nhắm vào đào tạo những lĩnh vực khác nhau, những dòng truyền thừa và những sự kết hợp truyền thống địa lý khác nhau.
Theo một nguồn thông tin địa phương cho hay, hiện tại số lượng Tăng sĩ đang tu học tại tu viện Drepung ở Lhasa là khoảng 300 vị, và tu viện sinh hoạt dưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, viện nghiên cứu và đào tạo của tu viện vẫn được duy trì và phát triển tại những viện đại học ở Karnataka, thuộc Nam Ấn, nơi mà thủ tướng Ấn Độ, ông Nerhu đã tặng cho công đồng Tây Tạng sinh sống. Tu viện hiện tại ở Ấn Độ có khoảng 5.000 vị tăng đang tu học, trong đó có khoảng 3.000 vị sống ở Drepung Loseling và 2.000 vị ở Drepung Gomang.
Quần thể tu viện gồm có nhiều công trình kiến trúc với những chức năng khác nhau. Ở tầng đầu tiên của hội trường là pho tượng rất ấn tượng của ngài Dalai Lama thứ 13. Pho tượng được chiếu sáng lung linh bởi những tia sáng mặt trời và ánh sáng từ những ngọn nến. Khu chánh điện này cũng là nơi chư tăng cử hành các thời khóa tụng kinh, lễ bái và cầu nguyện mỗi ngày.
Tại tu viện Drepung có một pho tượng Phật Di Lặc cao 15 mét, do ngài Tsongkapa thiết kế và được tôn trí tại tầng thừ ba của ngôi chánh điện. Đây là pho tượng thiêng liêng nhất tại tu viện. Tại đây, tín đồ Phật tử và khách hành hương thường được ban nước thánh; để nhận những giọt nước thiêng liêng ấy thì người nhận dùng tay phải tạo thành hình cái tách đăt bên trên ay trái để đón nhận nước, rồi uống một ngụm, phần nước còn lại thì xoa lên đầu.
Ngày nay, mặc dù tu viện Drepung không còn có đông chư tăng tu học, không còn đóng vai trò trụ sở chính về tôn giáo và chính trị trong cộng đồng người Tạng nữa, nhưng nó vẫn là một nơi thiêng liêng, là điểm hành hương quan trọng của khách hành hương trong nước cũng như quốc tế. Và các lễ hội, các hoạt động văn hóa, tôn giáo vẫn được duy trì và ngày càng thu hút đông người tham dự.
Theo Nguyệt San Giác Ngộ