Bản Cát Cát - điểm nhấn ấn tượng của du lịch vùng núi Lào Cai

Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, theo con đường hướng về phía núi Fanxipan khoảng gần 2km, du khách sẽ đến bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, giữa mây ngàn gió núi, Cát Cát là điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho du khách khi muốn tìm hiểu và khám phá đời sống văn hóa của con người vùng cao Tây Bắc.  

Bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, với dân cư chủ yếu là người dân tộc Mông. Đầu thế kỷ 20, người Pháp đã phát hiện và chọn bản làm nơi nghỉ dưỡng cho các quan chức đồng thời cho xây dựng tại đây một nhà máy thủy điện (hiện nay vẫn được bảo tồn và là nơi các chàng trai cô gái người Mông biểu diễn văn nghệ dân tộc ngày 06 ca phục vụ du khách). Ở đây có một thác nước đẹp mà theo tiếng Pháp có nghĩa là CatScat. Chính vì vậy, bản cũng lấy tên là Cát Cát (đọc chệch đi của CatScat).  

Bản Cát Cát không chỉ hấp dẫn du khách bởi phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, trữ tình mà còn bởi những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đa dạng của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Du khách sẽ thực sự thích thú khi cùng hòa mình vào điệu múa dịu dàng của những cô gái Mông xinh đẹp, điệu khèn, tiếng đàn môi say đắm lòng người hay cùng giao lưu nhảy sạp với  những chàng trai cô gái người Mông.

Ngoài trồng lúa, người Mông ở Cát Cát còn phát triển các nghề thủ công truyền thống như trồng lanh dệt vải, đan lát dụng cụ sinh hoạt, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Đến bản Cát Cát, du khách sẽ được tham quan khu trưng bày và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Những sản phẩm tinh xảo, độc đáo được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của những con người nơi đây không chỉ đem lại sức sống cho bản làng mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người Mông được bảo tồn, gìn giữ qua nhiều thế hệ.  

Nếu đến bản Cát Cát vào những ngày đầu năm, du khách còn có dịp tham gia lễ hội Gầu Tào nhằm cầu phúc, cầu mệnh cho dân bản. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Mông. Ngoài ra, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều đặc sản như rượu ngô, thắng cố, thịt hun khói “khăng gai”, tiết canh gà, nhái nấu măng, bánh ngô, đậu xị... Bên cạnh đó, người dân địa phương còn bảo tồn được khá nhiều phong tục, tập quán độc đáo, trong đó không thể không kể đến “tục kéo vợ”. Khi người con trai đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè để nhờ lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà rồi giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Nếu bị từ chối thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường. Lễ cưới người Mông ở Cát Cát thường được tổ chức từ 2 đến 7 ngày.  

Với những nét độc đáo riêng có của một bản vùng cao Tây Bắc, Cát Cát lâu nay đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước khi đến Sa Pa. Nhờ phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, đời sống của đồng bào dân tộc địa phương được cải thiện đáng kể, đem lại cho Cát Cát một diện mạo mới nhưng không làm mất đi những nét đẹp truyền thống từ bao đời nay.  

(theo TITC)


Cũ hơn Bài viết mới


0 bình luận


Để lại phản hồi