Khám phá kiến trúc khu di tích đình thần Thắng Tam

Quần thể di tích đình thần Thắng Tam gồm đình thần, miếu Bà Ngũ Hành và lăng Ông Nam Hải (Cá Ông) tọa lạc ở đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu ghi dấu ấn văn hóa và lịch sử một thời các bậc tiền nhân khai hoang, lập ấp.

Đình thần Thắng Tam – tìm về thời mở cõi

đình thần thắng tam

Cổng đình thần Thắng Tam


Theo truyền thuyết, vào thời Gia Long (1802-1820), nhằm kiểm soát và bảo vệ vịnh Ghềnh Rái, cửa biển Cần Giờ, triều đình đã cử 3 thuyền (đơn vị nhỏ nhất của quân đội nhà Nguyễn) đến vùng đất Vũng Tàu trấn giữ. Khoảng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tình trạng giặc cướp không còn nữa. Nhà vua cho giải ngũ số quân này, ban thưởng vùng đất họ đã có công trấn giữ và miễn mọi thứ thuế. Ba ông chỉ huy ba thuyền đã tổ chức khai phá và lập ra ba làng lấy tên Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (từ đó người ta cũng gọi Vũng Tàu là Tam Thắng nhằm chỉ ba làng có từ "Thắng" đứng đầu). Phạm Văn Đinh cai quản làng Thắng Nhất. Lê Văn Lộc cai quản làng Thắng Nhì. Ngô Văn Huyền cai quản làng Thắng Tam. Sau này, ba ông trở thành Tiền hiền được thờ tại ba ngôi đình của ba làng nói trên…
Đình Thắng Tam được xây dựng vào khoảng năm Minh Mạng thứ 21 (1840) và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng. Đặc biệt, đình được kiến trúc theo lối nối kết, gồm nhà Tiền hiền, hội trường, đình trung, võ ca.

Ngôi Tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình Lưỡng Long chầu nguyệt đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nơi đây có 4 bàn thờ, thờ bốn vị Thổ công, Tiền hiền, Hậu hiền và Tiền vãng-  Hậu vãng.

đình thần thắng tam

Cổng đình thần Thắng Tam


Còn Hội trường là nơi sinh hoạt của hội viên thuộc Hội đình (hội đình Thắng Tam hiện nay có hơn 500 hội viên, có ban hương chức thôn hội chia làm 10 bậc từ thấp đến cao).
Tiếp sau phần Hội trường là ngôi Đình Trung có cấu trúc tương tự ngôi Tiền Hiền. Ngôi Đình Trung bài trí 10 bàn thờ theo lối 3- 4- 3: thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, Ngũ Đức, Thánh Phi, Hậu Hiền – Thần, Hội đồng, Phụ Án và Tiền Án – Cao Các, Thiên Sư, Ngũ Thơ, Ngũ Tự và Tiền Hiền (bốn bàn thờ phía giữa nằm vượt lên phía trước). Khác với nhiều nơi, Thần Nông vốn được thờ ngoài trời, ở Đình Thần Thắng Tam, thần nông được thờ bên trong.
Sân khấu võ ca là nơi diễn tuồng, hát bội khi đình thần có lễ hội.
Ngoài những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, đình thần Thắng Tam còn lưu giữ những lễ hội in đậm văn hóa dân gian và bản sắc dân tộc. Hàng năm, đình tổ chức lễ hội cầu an trong 4 ngày, từ 17 đến 20/2 âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá.

đình thần thắng tam

Ngôi Tiền hiền

Việc tổ chức cúng tế lễ vật tế thần, cách dâng hương quỳ lạy, chiêng trống kèn nhạc...của lễ hội cầu kỳ và nhiều vẻ, lại có tục kiêng kỵ trong tế lễ được lưu truyền, gìn giữ và chấp hành đầy đủ từ xưa đến nay. Trong quá trình diễn ra lễ hội của đình, người ta thường tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ giải trí như múa lân, hát bội...Mọi người thức suốt đêm. Tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hát rộn ràng cả một vùng.

Lễ hội Đình thần Thắng Tam là một hoạt động văn hóa đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Nhiều nét đẹp văn hóa của người Việt Nam được giữ gìn. Nếu du khách viếng thăm đình vào dịp có lễ hội, hẳn đó là chuyến tham quan thú vị và sinh động nhất trong chuyến du lịch Vũng Tàu.


Miếu Bà – Nơi sinh hoạt của hội viên phụ nữ

đình thần thắng tam

Miếu Bà nằm bên trái khu Đình thần Thắng Tam, còn có tên miếu Ngũ Hành.

Tương truyền Miếu Bà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Lúc đầu chỉ là nhà tranh vách lá do ngư dân Thắng Tam lập nên để thờ Ngũ Hành. Sau này, Miếu Bà được xây dựng lại theo lối kiến trúc một gian hai chái. Trên mái có hình Lưỡng Long chầu nguyệt. Bên trong có 8 bàn thờ. Bàn giữa chính điện thờ 5 bà Ngũ Hành và hai vị Thượng Đẳng Thần. Trên bày tượng 5 Bà và bộ ngũ sự, hai bên thờ 5 Cô, 5 Cậu, hai vị thượng Đẳng Thần (không có tượng). Bên trái là bàn thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương - những bậc trung nghĩa và sẵn sàng giúp đỡ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may. Bên phải là bàn thờ ông Địa thổ công. Phía sau là bàn thờ Tiền hiền và bàn thờ những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

Hằng năm, Miếu Bà tổ chức lễ hội vào ba ngày từ 16 đến 18/10 âm lịch. Điều đặc biệt, người điều hành, quản lý miếu và hội viên đều là nữ giới (gồm ba bà cố vấn, sáu bà trong ban điều hành và 160 hội viên).
Lễ hội Miếu Bà là ngày sôi động và linh đình. Ngoài việc cúng tế thần linh, người ta còn tổ chức múa lân, các trò vui, ban đêm tổ chức hát tuồng. Vốn có tiếng hiển linh, vào các ngày hội, người từ thập phương về hành hương, phụng cúng rất đông.

Có thể nói, Miếu Bà và lễ hội Miếu Bà là nét đặc sắc của văn hóa dân cư ven biển BR-VT.


Lăng Cá Ông – Nơi tôn thờ tín ngưỡng ngư dân miền biển

đình thần thắng tam

Tủ kính thờ xương Cá Ông


Nằm trong khu đình thần Thắng Tam phía bên phải, Lăng Cá Ông được xây dựng cùng thời kỳ với Miếu Bà, khoảng cuối thế kỷ 19. Hiện nay, trong lăng còn bảo tồn xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân BR-VT vớt được từ hơn 100 năm trước đây. Đặc biệt, lăng được vua Thiệu Trị ban hai đạo sắc vào năm thứ 5 (1846), Vua Tự Đức ban một đạo sắc vào năm thứ 3 (1850).

Lăng có kiến trúc cổ xưa. Bên trong bày ba tủ kính lớn đựng xương Cá Ông, tương xứng là ba bàn thờ. Hai bên tả, hữu có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc.

Lễ hội Nam Hải Đại Tướng Quân – Danh hiệu Cá Ông do vua Thiệu Trị ban tặng được tổ chức trùng với ngày Vía (ngày mất) của cá. Lễ hội kéo dài trong ba ngày từ 16 đến 18/8 âm lịch hằng năm, gồm có: Lễ cúng ông, lễ Nghinh Ông (đón cá) gồm nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn ngoài biển. Hình thức tế lễ Cá Ông mang đậm màu sắc riêng của ngư dân miền biển. Ngoài ra, lễ hội dành một buổi cúng Tiền hiền, một buổi tế lễ thần linh. Vào ngày này, ngư dân và khách thập phương tụ hội về đông vui, nhộn nhịp. Người ta đến đây cầu mong sự bình yên, may mắn trong chuyến đi biển, xin xăm báo trước điều tốt lành, rủi ro và xem hát vui chơi, giải trí..

Có thể nói, quần thể di tích Đình Thần Thắng Tam ẩn chứa và lưu giữ những giá trị văn hóa quí báu của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Những nét đẹp về phong tục tập quán dường như được “hóa thân” trong từng chi tiết, kiến trúc của di tích, của phong cách sinh hoạt tổ chức lễ hội. Nơi ấy gợi nhắc lịch sử một thời khai hoang, lập ấp của cha ông, nhắc nhở thế hệ hôm nay truyền thống uống nước nhớ nguồn và tinh thần giữ gìn những nét văn hóa đẹp được truyền lại từ ngàn xưa.

(Theo brt.vn)


Cũ hơn Bài viết mới


0 bình luận


Để lại phản hồi