Sinh ra và sống ở một đất nước có lịch sử chiến tranh bảo vệ Tổ quốc anh dũng và đau thương như ở đất nước ta thì việc có điều kiện đến thăm, viếng các nghĩa trang nghĩa trang liệt sỹ lớn là việc nên làm trong đời người… Trong đó nghĩa trang Hàng Dương được coi là một trong những nghĩa tra lớn và nổi tiếng nhất nước, toạ lạc tại Huyện Côn Đảo. Vì vậy mỗi khi Đến Côn Đảo chắc hẳn không ai quên viếng nghĩa trang Hàng Dương để thắp nén nhang tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng kiên trung, những người con yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây bởi sự tàn bạo của chế độ lao tù khắc nghiệt. Mỗi nấm mộ như một chứng tích về thời kỳ hào hùng và bi tráng đã qua.
Trong suốt thời gian xây dựng và tồn tại hơn 100 năm, bọn thực dân – đế quốc và tay sai đã giam cầm hàng chục vạn chiến sỹ yêu nước và với những chính sách tra tấn tàn bạo đã khiến khoảng 2 vạn chiến sỹ đã nằm xuống vì vậy người ta vẫn nói Côn Đảo là “ Địa Ngục Trần Gian ” trong số đó có những ngôi mộ của các nhà yêu nước nổi tiếng như: nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, mộ của đồng chí Lê Hồng Phong, mộ của chị Võ Thị Sáu… những ngôi mộ này thường được xây to hơn. Còn những ngôi mộ khác thì được xây dựng giống nhau.
Nếu một lần đến thăm Côn Đảo thì bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa nghĩa trang Hàng Dương và các nghĩa trang lớn khác trên cả nước đó là: dù ngày hay đêm thì nghĩa Trang Hàng Dương vẫn luôn đông khách viếng thăm các Liệt sỹ…. trong số đó đại đa số là đến viếng thăm phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu – nữ tử tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo. Khí phách hiêng ngang của chị khiến kẻ thù cũng phải kính phục, kiêng nể và khi chị mất thì có rất nhiều giai thoai về sự linh thiêng của chị trong đó câu truyện về 3 tấm bia của chị là nổi bật hơn cả: Nghe kể rằng khi chị hy sinh, bạn tù đã nhiều lần bí mật lập bia cho chị và cũng nhiều lần bị địch đập phá. Tất cả chúa đảo, cai ngục trước đó cho đến lính tham gia phá bia mộ chị Sáu đều bị chết bất đắc kỳ tử một cách rất bí ẩn. Sau đó một chúa đảo cùng vợ lập nên một tấm bia khác tạ tội với chị, trên bia có ghi dòng chữ Liệt nữ Võ Thị Sáu. Sau này khi tôn tạo, cán bộ quản trang dựng một tấm bia thứ ba ghi đúng ngày mất của chị và vẫn để ba tấm bia cùng tồn tại trên ngôi mộ người nữ anh hùng Đất Đỏ. Trước mộ của chị trồng cây lêkima được mang ra từ quê nhà. Ở Côn Đảo, người dân tin rằng chị Sáu rất linh thiêng và viếng chị vào đêm rằm và nhất là vào lúc 12 giờ đêm, lời cầu nguyện sẽ càng linh ứng.
Những dòng người tấp nập, ngược xuôi thắp nhang lên từng nấm mộ và có cả những đôi nam nữ trên đảo khoác tay nhau đi dạo. Về đêm, những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén nhang cháy đỏ làm cho nghĩa trang trở nên lung linh. Tiếng nhạc trầm trầm, dịu nhẹ phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác hòa cùng tiếng sóng đâu đó và tiếng gió vút qua những cành dương như một bản hòa tấu ru giấc ngủ ngàn đời của các anh hùng, liệt sĩ, những người con yêu nước nằm lại nơi này. Không có vẻ u uất thường thấy ở những nghĩa trang mà thay vào đó là một cảm giác ấm cúng trong lòng người đi viếng mộ.
(Sưu tầm)